Uncategorized
KỸ THUẬT “NẨY” TRONG DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH
Nẩy, hay còn gọi là nẩy hạt, chính là một hình thức sáng tạo đặc sắc trong dòng nhạc dân gian. Kỹ thuật này được thực hiện khi thanh âm bị tắc lại ở họng, sau đó được bật nẩy ra ngoài. Nẩy thường rơi vào những thanh âm như ư, hự, í ợ, ạ.
Có 2 kiểu nẩy chính:
– Kiểu 1: Sau khi tắc lại ở họng, âm thanh được bật nẩy ra, sau đó tiếp tục kéo dài và có độ rung giọng.
– Kiểu 2: Sau khi tắc lại ở họng, âm thanh bật ra nhưng dừng lại đột ngột.
Kỹ thuật nẩy không chỉ được áp dụng trong dân ca quan họ Bắc Ninh mà còn trong nhiều hình thức nghệ thuân dân gian khác như Chèo hay Ca trù. Tuy nhiên, trong khi Chèo nẩy vào âm “i”, mở khẩu hình, nhả âm thanh bằng mũi và một phần bằng miệng, hay Ca trù nẩy vào âm “ư”, đóng khẩu hình, nhả âm thanh bằng mũi, thì âm nẩy ở dân ca quan họ Bắc Ninh phong phú và đa dạng hơn, thường rơi vào các âm ư, hự, í, ợ, ạ, v.v. Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp kỹ thuật nẩy được áp dụng vào những từ thuộc phần lời thơ của bài hát.
Kỹ thuật nẩy có tác dụng làm điểm nhấn trong chuỗi âm thanh rền, khiến cho câu hát, trổ hát thêm ấn tượng và độc đáo. Nẩy cũng khiến cho dân ca quan họ Bắc Ninh trở nên đặc sắc và khác biệt so với những thể loại dân ca khác.
Kỹ thuật nẩy đòi hỏi người nghệ sĩ phải mở khẩu hình vừa phải, phù hợp với từng âm nẩy. Ngoài ra, hàm dưới phải buông lỏng, hơi hạ cằm xuống, môi và hàm trên hơi nhếch lên, khống chế hơi, dùng lực hơi thở đẩy mạnh âm nẩy bật ra.