Uncategorized
Kỹ thuật hát quan họ: Vang
Vang là đặc điểm âm thanh truyền đi mạnh và lan tỏa rộng ra xung quanh. Vang là kết quả cộng hưởng của miệng hát để khuyếch đại âm thanh. Những yếu tố hỗ trợ vang trong hát Quan họ gồm: giai điệu bài hát phát triển liên tục, sử dụng nhiều âm thêu, luyen, nốt hoa mỹ, âm đệm mở như ơ, í ơ, í a…. với độ ngân dài.
Vang là một yếu tố quan trọng không chỉ riêng trong hát Quan họ mà ở tất cả các thể loại dân ca. Về mặt âm nhạc, vang có chức năng làm cho tuyến giai điệu của bài hát phát triển ở nhiều cung bậc trầm bổng khác nhau, làm cho tác phẩm nghệ thuật thật sự sống động. Mặt khác, yêu cầu đối với người hát ở bất kỳ dòng nhạc nào đều đòi hỏi có độ vang nhất định. Tuy vậy, hát vang trong Quan họ lại có điểm khác biệt với các thể loại dân ca khác. Chẳng hạn, vang của thanh nhạc được ngân, nghỉ vào những âm ở cuối tiết, câu hoặc đoạn nhạc. Còn vang trong hát Quan họ là nhờ vào tuyển giai điệu phát triển liên tục, kết hợp luyến láy và ngân những âm đệm mở tạo nên, đồng thời vẫn giữ được các yếu tố rền, nền, nẩy. Chính vì vậy, cách hát vang của Quan họ mang nét đặc thù, cần có kỹ thuật hát phù hợp.
Để hát được vang cần hát chậm, hơi thở đầy, khẩu hình mở, vòm họng chống lên cao, có độ rỗng bên trong họng. Hàm dưới rơi tự do, hàm và môi trên hơi nhếch cao để lộ ra hàm răng trên như cười, tạo cảm giác như hai gò má chống lên cao, phát ẩm phải rõ chữ và có độ sáng.