CÁC LÀN ĐIỆU VÀ CÁC CHẶNG TRONG BÀI QUAN HỌ

Quan họ Bắc Ninh không chỉ là dòng nhạc truyền thống thể hiện được sự phong phú trong văn hóa của Việt Nam, mà còn là ‘món ăn tinh thần’ không thể nào thiếu đối với các ‘liền anh’ , ‘liền chị’. Trải qua hàng thế kỷ qua các triều đại trong quá khứ, đến nay dòng nhạc cổ này vẫn còn được lưu truyền và ca tụng bởi những nghệ sĩ, các làng và cộng đồng quan họ.

Quan họ có nét đặc trưng bởi lối hát đối đáp giữa các anh chị dựa trên và khả năng ứng biến của hai bên, hát lên những lời thơ, ca dao với từ ngữ trau chuốt, trong sáng mẫu mực thể hiện các trạng thái của con người bằng ngôn ngữ đầy tính ẩn dụ. Một bài hát quan họ có hay hay không dựa rất nhiều vào hai phần, đó là làn điệu và các chặng nhanh chậm.

Quan họ rất phong phú về các làn điệu, từ la rằng, cây gạo, hừ la , cái ả, xuồng song, tứ quý, gió mát trăng thanh cho đến đường bạn kim loan. Trong một bài quan họ các ‘liền anh’, ‘liền chị’ thường hát theo 3 chặng, chặng đầu hát theo giọng lề lối, chặng giữa ở giọng vặt. giọng sổng và chặng cuối là giọng giã bạn.

Giọng Lề lối: Trong đoạn mở đầu sẽ sử dụng giọng này, được diễn xướng với tốc độ chậm, nhiều luyến láy, nhiều tiếng đệm. Đôi lúc nhịp phách không rõ ràng, âm điệu thường ở âm khu thấp tầm cữ hẹp, ví dụ như các bài: Hừ la, Cây gạo, Tình tang, Cái ới cái ả…

Giọng Sổng được dùng sau đoạn đầu, ngoài tính chất nối giữa hai đoạn nó còn là tiêu đề cho sự phát triển khá độc đáo của hát quan họ. Giọng sổng thường mang tính khoan thai, mực thước.

Giọng Vặt là giọng thuộc phần chính trong đoạn hát. Ở giọng này, tính chất nghệ thuật được thể hiện rất cao. Âm nhạc ngắn gọn, bố cục chặt chẽ, tiết tấu linh hoạt chứ không đơn giản như giọng lề lối. Số lượng bài thì rất nhiều và những lời ca trong bài hát thì vô cùng phong phú. Ví dụ như Trống cơm, Qua cầu gió bay, Tương phùng – tương ngộ, …

Giọng Giã Bạn chính là giọng hát trước lúc chia tay. Tuy số lượng bài bản ở giọng giã bạn không nhiều nhưng chất lượng nghệ thuật của các bài ở giọng này khá cao. Tiễn biệt là chủ đề chính được hướng đến. Vì vậy giai điệu thường buồn, nhưng rất mặn nồng đắm say như tình cảm thể hiện sự nhớ nhung của những ‘liền anh’, ‘liền chị’.

Vì vậy, mỗi khi nghe quan họ, chúng ta luôn cảm nhận được tình cảm mặn nồng và trữ tình trong từng câu hát. Lời ca đầy chất thơ, họ đã sử dụng những câu hát ấy để thể hiện tình yêu thương, sự ý nhị.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *