Dòng nhạc truyền thống Quan họ Bắc Ninh được sáng tạo bởi cộng đồng người Việt (Kinh) sinh sống tại 49 làng Quan họ và một số làng lân cận thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hiện nay của Việt Nam. Đặc trưng của dòng nhạc này là lối hát giao duyên, với sự đối đáp giữa các anh chị và giữa họ với khán giả. Tuy nhiên, sau khi tỉnh thành được chia lại, người ta đã sử dụng tên tỉnh để phân biệt với dòng nhạc quan họ ở Bắc Giang, từ đó có cái tên dân ca quan họ Bắc Ninh như hiện nay.
Hiện nay, vẫn chưa ai biết chính xác về thời điểm ra đời của dân ca quan họ Bắc Ninh trong lịch sử. Đối chiếu lời của các bài quan họ trong sự phát triển của Tiếng Việt, nhiều người cho rằng dân ca quan họ phát triển đến đỉnh cao vào giữa thế kỉ XVIII và chủ nhân của quan họ là những người nông dân Việt (Kinh), chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước.
Về quá trình phát triển của dân ca quan họ Bắc Ninh, có nhiều thông tin cho rằng thời Lý – Trần đã đánh dấu bước chuyển mình của dân ca quan họ từ giao duyên cổ sơ sang lối hát quy củ, lề lối rõ ràng. Vào thời Lê thì việc sáng tác của quan họ ngày càng được bổ sung.
Cho đến thế kỷ XVIII, dân ca quan họ Bắc Ninh dần trở nên hoàn chỉnh hơn với những hình tượng đẹp đẽ và nội dung trữ tình sâu sắc. Làn điệu này cũng có dần được phổ biến và lan rộng khắp Bắc – Nam. Những năm đầu thế kỷ XX, quan họ được cải tiến hơn với sự ảnh hưởng của các hình thức nghệ thuật khác trên cả nước và phát triển đến sau này.
Năm 1969, Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh ra đời nhằm phổ biến quan họ một cách rộng rãi. Những phẩm chất về lời ca và giai điệu của quan họ vẫn được giữ nguyên, nhưng phần lời được đơn giản hóa, nhịp nhanh hơn và có nhạc đệm để các nghệ sĩ trong Đoàn có thể diễn ở sân khấu. Bên cạnh đó, Dân ca Quan họ cổ vẫn được lưu truyền và bảo tồn ở các làng và cộng đồng quan họ.